Chỉ báo kĩ thuật Đường MA là gì? Cách sử dụng Moving Average. Đường MA (Moving Average) giúp các nhà đầu tư biết được thời điểm vào lệnh, chốt lời, cắt lỗ hợp lý nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ đường MA là gì và cách sử đường trung bình động hiệu quả. Từ đó, dẫn đến việc vào lệnh sai, thậm chí dẫn đến cháy tài khoản. Chính vì vậy, trong bài viết này Daututaichinhaz.com sẽ cung cấp cho các bạn đầy đủ các thông tin về đường MA. Mời các bạn cùng theo dõi!
Đọc biểu đồ mà không đường trung bình di động (MA) cũng giống như ăn cơm mà không có thịt và cá. Những đường MA trông có vẻ đơn giản đi song song với giá có thể cho trader biết nhiều câu chuyện về thị trường.
Nói một cách đơn giản, đường MA là những chỉ số có giá trị nhất trong phân tích kỹ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà toàn trader trên toàn thế giới hầu hết đều sử dụng MA, chắc hẳn phải có điều gì đó thực sự khác biệt giữa đường MA và phần còn lại. Đó chính là thứ chúng ta cần phải bỏ công ra khám phá thì may ra mới mong chiến thắng được thị trường bằng các đường MA.
Dĩ nhiên khi phân tích và chọn mua cổ phiếu, bạn không cần bắt buộc phải sử dụng đường MA. Tuy nhiên, nếu có đường MA hỗ trợ, rủi ro của bạn sẽ được hạn chế rất nhiều.
Đường MA là gì? Chu kỳ của đường MA nói lên điều gì?
Đường MA là gì?
MA hay Moving Average nghĩa là trung bình động hay trung bình trượt, là một chỉ báo phân tích kỹ thuật trên các thị trường tài chính như chứng khoán, forex, tiền điện tử. Đường MA là tập hợp tất cả các giá trị trung bình của giá cả trên thị trường trong một giai đoạn nhất định. MA là một chỉ báo chậm và công dụng chính của nó là làm mượt dữ liệu giá.
Mức giá trung bình này được thay đổi linh động tuỳ theo mục đích sử dụng trong ngắn hạn hay dài hạn. Thường trong một khoảng thời gian nhất định như 10 ngày, 20 phút, 30 tuần hay bất kỳ khoảng thời gian nào mà nhà đầu tư lựa chọn. Có rất nhiều ưu điểm của việc sử dụng đường MA trong quyết định đầu tư, cũng như nhiều kiểu đường MA để người dùng lựa chọn. Việc sử dụng MA rất phổ biến và có thể được điều chỉnh cho bất kỳ khung thời gian nào, phù hợp với cả nhà đầu tư dài hạn và ngắn hạn.
Dữ liệu để tính toán giá trị của MA mà các nhà giao dịch thường sử dụng chính là giá đóng cửa của tài sản, mặc dù về mặt lý thuyết, các nhà phân tích có thể dùng giá mở cửa, giá cao nhất, giá thấp nhất, trung bình của giá cao nhất và thấp nhất, hoặc thậm chí trung bình của giá cao nhất, thấp nhất và giá đóng cửa. Trên thực tế, giá đóng cửa được ưu tiên đưa vào công thức vì nó là giá trị quan trọng nhất trong suốt một phiên giao dịch, thể hiện được kết quả cuối cùng của phiên giao dịch đó.
Trên phần mềm giao dịch, đường MA được biểu diễn ngay trên đồ thị cùng với đường giá.
Chu kỳ của đường MA nói lên điều gì?
Đường MA được ký hiệu đầy đủ là MA (n), với n chính là chu kỳ của đường MA.
Chu kỳ là khoảng thời gian được xét để lấy giá trị trung bình. Ví dụ, chu kỳ 10 thì sẽ có 10 giá đóng cửa của 10 phiên giao dịch, MA chính là giá trị trung bình của 10 giá đóng cửa đó. Nếu tiếp tục trượt về sau 1 phiên thì ta sẽ được một tổ hợp 10 giá đóng cửa mới, 10 giá trị này sẽ cho ra một giá trị MA mới, và cứ liên tục như vậy những giá trị MA này tạo thành đường trung bình trượt MA.
Trên những khung thời gian khác nhau thì ý nghĩa của chu kỳ cũng sẽ khác nhau.
Ví dụ:
- Trên khung D1, các giá trị MA(10) chính là trung bình của giá đóng cửa 10 ngày giao dịch (10 cây nến D1) gần nhất trước đó.
- Trên khung H1, các giá trị MA (10) chính là trung bình của giá đóng cửa 10 phiên giao dịch 1 giờ (10 cây nến H1) gần nhất trước đó.
- Trên khung M15, các giá trị MA (10) chính là trung bình của giá đóng cửa 10 phiên giao dịch 15 phút (10 cây nến M15) gần nhất trước đó.
Như đã nói, bản chất của đường MA là một chỉ báo chậm và ứng dụng đặc trưng của nó là làm mượt dữ liệu nên đường MA sẽ có một độ trễ và độ mượt nhất định, và chu kỳ chính là yếu tố quyết định đến 2 đặc điểm đó của một đường MA.
Độ mượt của đường MA thể hiện ở khả năng nhạy cảm với đường giá. Nếu đường MA càng ở xa đường giá thì nó sẽ ít bị nhạy cảm hơn khi giá biến động, độ mượt cao, ngược lại, nếu đường MA càng bám sát đường giá thì mọi biến động của giá đều thể hiện lên đường MA, độ mượt thấp.
Độ trễ thể hiện ở mức độ phản ứng của chỉ báo so với đường giá. Đường MA có độ trễ thấp khi nó phản ứng kịp thời với biến động của giá cả, chẳng hạn như khi giá tạo đỉnh thì MA cũng tạo đỉnh. Ngược lại, đường MA có độ trễ cao khi nó phản ứng trễ hơn nhiều so với biến động của giá, đường giá đã hình thành đáy, nhưng sau một khoảng thời gian nữa thì đường MA mới tạo đáy. Khoảng thời gian phản ứng của MA so với giá càng lâu thì độ trễ càng cao.
- Ý nghĩa của độ trễ và độ mượt của đường MA trong việc dự báo xu hướng giá.
Đường MA có độ mượt càng thấp (càng bám sát hoặc chuyển động giống đường giá) thì đường MA lúc này không có khả năng dự báo xu hướng của giá nữa. Tuy nhiên, nếu đường MA quá mượt mà (càng đi xa đường giá) thì cũng rất khó để nhận ra xu hướng của giá.
Đường MA có độ trễ ngắn sẽ giúp nhà giao dịch kịp thời bắt được xu hướng, xác định các điểm vào/thoát lệnh tốt, tiềm năng lợi nhuận cao nhưng lại có nhiều tín hiệu gây nhiễu. Ngược lại, đường MA có độ trễ cao thì các trader sẽ không thể bắt kịp xu hướng, lợi nhuận tiềm năng thấp nhưng bù lại ít tín hiệu gây nhiễu.
Vậy thì, chu kỳ quyết định đến độ mượt và độ trễ của đường MA như thế nào?
Chu kỳ của đường MA là một số nguyên dương, trong giao dịch tài chính, người ta chia chu kỳ của đường MA thành 3 loại: chu kỳ ngắn hạn, chu kỳ trung hạn và chu kỳ dài hạn.
Một số chu kỳ thường được sử dụng trong phân tích, bao gồm:
- Chu kỳ ngắn hạn: MA (10), MA(14), MA (20)
- Chu kỳ trung hạn: MA (50)
- Chu kỳ dài hạn: MA (100), MA (200)
Chu kỳ càng ngắn thì độ mượt càng thấp và độ trễ càng ngắn. Ngược lại, chu kỳ càng dài thì độ mượt càng cao và độ trễ càng cao.
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và chiến lược riêng mà các nhà giao dịch sẽ sử dụng đường MA với những chu kỳ khác nhau.
Ví dụ: độ mượt và độ trễ của đường MA theo chu kỳ.
- Độ mượt: đường MA(14) bám sát đường giá nhất, mọi chuyển động lên xuống của giá đều được mô phỏng lại qua đường MA(14) nên khả năng dự báo xu hướng trong tương lai của MA (14) là rất thấp. Đường MA(50) mượt hơn, uyển chuyển hơn, thể hiện xu hướng rõ ràng hơn. Đường MA(200) là mượt nhất, chuyển động của nó dường như không có chút liên quan đến biến động của giá, việc dự đoán xu hướng trong trường hợp này cũng rất khó.
- Độ trễ: đường MA(14) có độ trễ thấp nhất, khi giá đã tạo đáy thì chỉ sau 3 phiên giao dịch, đường MA cũng tạo đáy, đường MA(50) cũng tạo đáy ngay sau đó, trong khi đường MA(200), có độ trễ cao nhất thì dường như không phản ứng với biến động này của giá.
Đường trung bình động có mấy loại
3 đường MA phổ biến
Đường MA là rất phổ biến trong hầu như mọi phân tích kỹ thuật, và phổ biến nhất là SMA, EMA và WMA.
Đường SMA (hay Simple Moving Average)
SMA là đường trung bình động đơn giản được tính bằng trung bình cộng các mức giá đóng cửa trong một khoảng thời gian giao dịch nhất định.
Các SMA phổ biến là:
- Đường MA trong dài hạn: SMA(100) hay SMA(200), được tính từ 100 hay 200 phiên giao dịch.
- Đường MA trung hạn: SMA(50)
- Đường MA ngắn hạn: SMA(10), SMA(14), SMA(20)
Đường MA càng ngắn hạn thì tốc độ càng nhanh, còn các đường MA càng dài hạn nghĩa là nó càng chậm.
- Ưu điểm: SMA là loại bỏ các biến động nhiễu trong ngắn hạn nên mức tin cậy cao. Ngoài ra đây là đường MA rất phổ biến, cho nên nó thể hiện tâm lý của các trader tại ngưỡng hỗ trợ và kháng cự khá sát thực tế.
- Nhược điểm: Trong ngắn hạn thì SMA lại phản ứng tín hiệu chậm và không nhạy với các biến động.
Đường EMA (hay Exponential Moving Average)
EMA sẽ đặt trọng số vào các kỳ gần nhất, điều này có nghĩa là EMA chú tâm nhiều hơn đến các hành động giá gần hơn những dữ liệu quá xa trong quá khứ.
- Ưu điểm: EMA sẽ hiển thị những biến động của thị trường nhanh hơn và rõ ràng hơn và dễ dàng phát hiện những tín hiệu bất thường, những đảo giá xảy ra trong ngắn hạn.
- Nhược điểm: Vì quá nhạy nên đường EMA sẽ có thể đưa ra những tín giả đánh lừa trader.
Đường WMA (hay Weighted Moving Average)
WMA là đường trung bình tỉ trọng tuyến tính, nó sẽ chú trọng các tham số có tần suất xuất hiện cao nhất. Nghĩa là đường trung bình trọng số WMA sẽ đặt nặng các bước giá có khối lượng giao dịch lớn, quan tâm đến yếu tố chất lượng của dòng tiền.
- Ưu điểm: Đường WMA nhạy với sự vận động của đường giá ở thời điểm mới nhất đang xảy ra ở thời điểm mới nhất. Vì vậy nên WMA còn thể hiện biến động giá nhạy hơn cả EMA, đặc biệt là khi các biến có sự chênh lệch giá lớn thì càng hiệu quả.
- Nhược điểm: Tương tự EMA, WMA cũng quá nhạy và có thể đưa ra tín hiệu đánh lừa. Và càng về dài hạn thì các EMA và WMA càng mất đi vai trò của mình.
Cách giao dịch với Moving Average
Giao dịch tại các điểm hỗ trợ và kháng cự
Khi giao dịch theo cách này, không phải đơn giản là chỉ vào lệnh khi giá về MA mà phải chờ tín hiệu cho thấy giá không phá vỡ đường MA. Bạn có thể áp dụng các mô hình nến như Engulfing hoặc Pin bar để vào lệnh.
Giao dịch tại điểm giá cắt MA
Cách giao dịch này được sử dụng để vào lệnh sau khi đã phân tích xu hướng. Cách này khá đơn giản, khi nào giá cắt đường MA thì vào lệnh. Để xác định khi nào giá cắt thì có thể sử dụng giá close của nến vừa đóng hoặc sử dụng độ lớn của nến cắt: nghĩa là nếu cắt sâu vào 10 pips trở lên thì vào lệnh mà không quan tâm nến có đóng chưa. Cách này không hiệu quả khi giá cắt đường MA liên tục, phải sử dụng kết hợp hợp các phương pháp khác để vào lệnh chính xác.
Ví dụ cụ thể:
- Giá vượt lên đường SMA(20) báo hiệu xu hướng tăng ngắn hạn
- Giá vượt lên đường SMA(50) báo hiệu xu hướng tăng trung hạn
- Giá vượt lên đường SMA(100) báo hiệu xu hướng tăng trung hạn
Giao dịch tại điểm giao nhau của các đường MA
Cách giao dịch này là vào lệnh khi mà đường MA nhanh giao với đường MA chậm. Xác nhận bằng nến đóng hoặc độ sâu vết cắt như cách giao dịch tại điểm giá cắt đường MA.
Ví dụ cụ thể:
Đường SMA(20) vượt lên SMA(50): tín hiệu dài hạn xác định xu hướng tăng trong dài hạn
Để đạt hiệu quả cao nhất nên sử kết hợp cùng các phương pháp giao dịch khác.
Dải bằng MA: Đây một trường hợp đặc biệt của cách giao dịch ở trên, khi các đường MA với các chu kỳ khác nhau giao nhau thì giá đảo chiều. Đây chính là điểm vào lệnh.
Lọc nhiễu bằng đường MA: để chắc chắn hơn khi nào thì giá phá vỡ đường MA, có thể sử dụng thêm cách bao đường MA hoặc sử dụng hai đường MA để tạo thành “khu vực” hỗ trợ hoặc kháng cự. Với cách này, có thể loại bớt nhiễu và xác định điểm vào lệnh chính xác hơn.
Ưu và nhược điểm của các đường trung bình trượt MA
Để so sánh ưu và nhược điểm của các đường trung bình trượt MA thì nguyên tắc đầu tiên là phải sử dụng cùng một chu kỳ và đặt chúng trên cùng một khung thời gian.
Quan sát hình dưới đây:
Bên trên là 3 đường SMA(50), EMA(50) và WMA(50) của cặp USD/CAD trên khung thời gian D1.
Sử dụng chu kỳ trung hạn 50 khiến cho các đường trung bình MA mượt mà nhưng không quá phẳng, độ trễ cũng không quá cao, có thể dự báo được xu hướng và khả năng vào lệnh tốt.
Chu kỳ 50 được sử dụng trên khung thời gian D1 thể hiện cho khoảng thời gian giao dịch 1 quý nên nhìn trên biểu đồ, các đường MA phản ứng chậm so với giá là điều hết sức bình thường.
Trong số 3 đường MA thì SMA(50) có độ trễ cao nhất do thời điểm tạo đỉnh là trễ nhất so với 2 đường EMA(50) và WMA(50). Nếu tìm kiếm tín hiệu đón đầu xu hướng để vào lệnh thì đường SMA(50) cho tín hiệu trễ nhất, tiềm năng lợi nhuận thấp nhất. Hai đường EMA(50) và WMA(50) có độ trễ xấp xỉ nhau, khả năng phản ứng với giá là gần như nhau.
Xét về độ mượt mà, đường WMA(50) có vẻ như bám sát với đường giá nhất, sau đó đến EMA(50) và sau cùng là SMA(50). Mặc dù khả năng dự báo xu hướng của cả 3 là tương đương nhưng vì đường WMA(50) gần đường giá hơn nên dễ tạo các tín hiệu gây nhiễu hơn.
Chúng ta sẽ cùng xét thêm một ví dụ nữa.
Hình trên là 3 đường trung bình với cùng chu kỳ 20 trên khung thời gian H4.
Ở ví dụ này, các bạn cùng dễ dàng so sánh được độ mượt và độ trễ của 3 đường MA. Điểm cần nhấn mạnh ở ví dụ này chính là chúng ta có thể sử dụng những chu kỳ nhỏ hơn ở những khung thời gian nhỏ hơn để xác định điểm vào lệnh tốt hơn. Vì cả 3 đường MA lúc này đều bám khá sát đường giá, phản ứng nhanh hơn, tốt hơn. Tất nhiên, nhiệm vụ dự báo xu hướng chung sẽ sử dụng chu kỳ lớn hơn ở khung thời gian lớn hơn như ở ví dụ trên.
Tóm lại, khi so sánh các đường trung bình MA có cùng chu kỳ trên một khung thời gian thì:
- Đường SMA mượt nhất, khả năng dự báo xu hướng tốt và loại bỏ nhiều tín hiệu gây nhiễu. Tuy nhiên SMA lại có độ trễ cao nhất nên khả năng xác định điểm vào/thoát lệnh tốt nhất là thấp nhất.
- Đường EMA và WMA có độ trễ và độ mượt gần như tương đương. Độ trễ thấp hơn SMA giúp vào lệnh tốt hơn nhưng vì bám sát giá hơn nên có nhiều tín hiệu gây nhiễu hơn.
Để kết luận rằng nên sử dụng đường MA nào thì thật sự không có câu trả lời chính xác nhất. Bởi lẽ mỗi đường MA đều có những ưu, nhược điểm riêng, tùy thuộc vào mục đích sử dụng và chiến lược cụ thể mà mỗi trader sẽ sử dụng đường MA theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, qua 2 ví dụ trên, chúng ta có thể rút ra một số ý như sau:
- Nếu muốn xác định xu hướng chung dài hạn thì nên sử dụng đường SMA với chu kỳ lớn trên khung thời gian lớn.
- Nếu muốn tìm kiếm điểm vào/thoát lệnh thì nên sử dụng các đường EMA hoặc WMA với chu kỳ nhỏ hơn, trên khung thời gian nhỏ hơn.
Chiến lược giao dịch hiệu quả với đường trung bình trượt MA
Ở phần này, trong các ví dụ thực tế, chúng tôi sẽ sử dụng đường trung bình trượt đơn giản SMA để minh họa cho các chiến lược giao dịch với MA. Còn như đã nói, việc sử dụng loại MA nào còn phụ thuộc vào mục đích và chiến lược riêng của mỗi người.
- Tín hiệu giao cắt giữa đường MA và đường giá.
Ý tưởng của chiến lược giao dịch này xuất phát từ ý nghĩa thứ 2 của đường MA: giá trị trung bình thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư.
- Nếu phần lớn giá nằm trên đường MA thì thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư cao hơn so với giai đoạn trước, thị trường đang trong xu hướng tăng.
- Nếu phần lớn giá nằm dưới đường MA thì thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư thấp hơn so với giai đoạn trước, thị trường đang trong xu hướng giảm.
Đây được xem là chiến lược giao dịch đơn giản nhất với đường MA nhưng cũng là chiến lược có nhiều tín hiệu gây nhiễu nhất, rủi ro nhất.
Cách vào lệnh như sau:
- Vào lệnh Buy khi giá cắt đường MA từ dưới lên ? thị trường chuyển từ giảm sang tăng.
- Vào lệnh Sell khi giá cắt đường MA từ trên xuống ? thị trường chuyển từ tăng sang giảm.
Cách đặt stop loss, take profit
- Đặt stop loss phía dưới đáy gần nhất trước đó đối với lệnh Buy hoặc phía trên đỉnh gần nhất trước đó đối với lệnh Sell.
- Take profit khi đạt lợi nhuận mục tiêu, xuất hiện tín hiệu giá đảo chiều hoặc khi giá cắt MA từ trên xuống đối với lệnh Buy, giá cắt MA từ dưới lên đối với lệnh Sell.
Ví dụ: đường SMA(50) trên khung thời gian D1 của cặp EUR/USD
Ở giai đoạn trước, phần lớn các mức giá nằm dưới đường SMA, thị trường duy trì xu hướng giảm thời gian khá lâu.
Khi giá cắt đường SMA từ dưới lên, cho tín hiệu vào lệnh Buy, sau đó tín hiệu này được xác nhận bằng một cây nến xanh với thân dài, vào lệnh Buy ngay khi cây nến xanh này đóng cửa. Sau khi giá tăng lên đúng như kỳ vọng một thời gian thì xuất hiện mô hình đảo chiều giảm Sao Hôm, cho tín hiệu kết thúc đợt tăng giá, các bạn có thể đóng lệnh khi mô hình này hoàn thành. Hoặc cũng có thể đóng lệnh khi giá bắt đầu cắt đường SMA từ trên xuống, tuy nhiên, trong trường hợp này, cách đóng lệnh với tín hiệu giao cắt giữa SMA và giá khiến cho lợi nhuận bị giảm đi.
Cũng tại thời điểm giá cắt đường SMA từ trên xuống, nếu các bạn tiếp tục vào lệnh Sell thì giao dịch đã bị thua lỗ, vì đó không phải là tín hiệu đảo chiều xu hướng mà là một tín hiệu gây nhiễu, giá đã tiếp tục đi lên ngay sau đó. Trên thực tế, sự giao cắt này diễn ra rất thường xuyên.
Vậy câu hỏi đặt ra là, làm sao để biết được tín hiệu giao cắt nào là đáng tin cậy?
Như đã nói, chiến lược giao dịch với tín hiệu giao cắt giữa đường MA và đường giá tuy đơn giản nhưng rủi ro do có quá nhiều tín hiệu gây nhiễu. Để lọc ra các tín hiệu tin cậy, các bạn nên kết hợp sử dụng thêm những công cụ, phương pháp khác để xác nhận tín hiệu đảo chiều.
Trong trường hợp ở trên, trước khi sự giao cắt diễn ra, trên chỉ báo RSI xuất hiện tín hiệu đảo chiều tăng, khi mà RSI đi vào vùng quá bán. Đồng thời trước đó, giá đã breakout ngưỡng kháng cự, là trendline của xu hướng giảm, sau đó retest lại ngưỡng này và quay đầu đi lên, làm cho tín hiệu giá sẽ tăng lên càng được củng cố hơn.
- Tín hiệu giao cắt giữa đường MA nhanh và MA chậm
Khái niệm nhanh, chậm xuất phát từ sự phản ứng của đường MA so với biến động của giá, đường MA phản ứng nhanh với biến động giá được gọi là đường MA nhanh và ngược lại. Vậy thì, dễ dàng để nhận ra đặc điểm quy định tính chất nhanh, chậm này của đường MA chính là độ trễ hay chu kỳ.
Đường MA có chu kỳ ngắn đóng vai trò là đường MA nhanh, đường MA có chu kỳ dài hơn thì là đường MA chậm.
Ý tưởng giao dịch như sau:
- Đường MA nhanh nằm trên đường MA chậm ? thị trường đang trong xu hướng tăng
- Đường MA nhanh nằm dưới đường MA chậm ? thị trường đang trong xu hướng giảm.
Ý tưởng của chiến lược này bắt nguồn từ tín hiệu giao cắt giữa đường MA và đường giá. Đường giá chính là đường MA có chu kỳ 1, nên đường giá luôn là đường MA nhanh.
Cách vào lệnh cụ thể như sau:
- Vào lệnh Buy khi đường MA nhanh cắt MA chậm từ dưới lên ? thị trường chuyển từ giảm sang tăng
- Vào lệnh Sell khi đường MA nhanh cắt MA chậm từ trên xuống ? thị trường chuyển từ tăng sang giảm.
Cách đặt stop loss, take profit tương tự như chiến lược ở trên.
Ví dụ: đường SMA(20) và SMA (50) trên khung thời gian D1 của cặp EUR/USD
Ở khoảng thời gian trước, phần lớn đường MA nhanh nằm dưới đường MA chậm, thị trường đang trong xu hướng giảm. Sau đó, đường MA nhanh cắt đường MA chậm từ dưới lên, cho tín hiệu vào lệnh Buy. Tín hiệu này được củng cố hơn khi cũng tại đó, xuất hiện tín hiệu hội tụ giữa RSI và đường giá, dự báo thị trường đảo chiều giảm sang tăng.
Vào lệnh Buy ngay khi đường MA nhanh vượt lên trên đường MA chậm, đặt stop loss phía dưới đáy gần nhất trước đó.
Về tín hiệu chốt lời ở trường hợp này, các bạn có 2 cách để chốt lời. Một là, sau khi giá tăng một thời gian, thị trường bắt đầu di chuyển chậm lại bằng hàng loạt các cây nến Doji và Pin bar (khoanh tròn tại đỉnh của xu hướng tăng), khu vực này cho thấy sự giằng co giữa 2 phe trong liên tiếp các phiên nhưng không phe nào dành ưu thế hơn. Ngay sau đó, một cây nến đỏ với thân khá dài xuất hiện, cắt đường SMA(20) từ trên xuống, cho thấy lực bán mạnh mẽ, có khả năng đảo chiều xu hướng. Các bạn có thể đóng lệnh ngay tại vị trí này. Hai là, có thể đóng lệnh với tín hiệu đường MA nhanh cắt đường MA chậm từ trên xuống, tuy nhiên, cách này sẽ làm cho lợi nhuận giảm đi khá nhiều.
- Giao dịch tại vùng hỗ trợ/kháng cự tạo bởi các đường MA
Như đã biết, nếu phần lớn giá nằm trên đường MA thì thị trường đang trong xu hướng tăng, vậy thì, đường MA lúc này sẽ đóng vai trò như một ngưỡng hỗ trợ quan trọng của xu hướng tăng đó. Tương tự, đường MA nằm trên đường giá sẽ đóng vai trò như một ngưỡng kháng cự quan trọng của xu hướng giảm.
Ví dụ: đường SMA(20) và SMA(50) trên khung thời gian D1 của cặp EUR/USD
Ở hình trên, 2 đường MA tạo thành vùng hỗ trợ quan trọng của xu hướng tăng: thứ nhất, phần lớn giá nằm trên vùng cản này, thứ hai, khi giá chạm vào vùng cản thì quay đầu đi lên.
Chiến lược giao dịch trong trường hợp này là vào lệnh Buy khi giá chạm vào vùng hỗ trợ và sau đó quay đầu đi lên. Các bạn có thể vào nhiều lệnh liên tiếp nhưng chú ý trailing stop để chốt lợi nhuận và hạn chế rủi ro.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng khi giao dịch với chiến lược này chính là xác định thời điểm khi nào giá quay đầu, khi nào giá thực sự phá vỡ vùng hỗ trợ. Ở 4 lệnh Buy, giá có vượt ra khỏi vùng hỗ trợ một ít nhưng tại đó, đường MA nhanh vẫn nằm trên đường MA chậm, khả năng giá đảo chiều thấp. Còn ở tình huống gần đỉnh của xu hướng tăng, một cây nến đỏ với thân rất dài đâm xuyên vùng hỗ trợ và sau đó, đường MA nhanh cắt đường MA chậm từ trên xuống, lúc này, tín hiệu breakout khá rõ ràng.
Kết hợp MA với các chỉ báo khác
Kết hợp đường MA và Bollinger Band
Chiến lược giao dịch này sử dụng tín hiệu giao nhau giữa các đường trung bình động MA có chu kỳ khác nhau. Trong lúc này, Bollinger Band lên xuống quanh đường trung bình động 20 ngày MA(20) và đường trung bình động 200 ngày MA(200) đại diện cho xu hướng dài hạn của giá.
Lúc này:
Dải Bollinger vượt trên đường MA(200), xuất hiện xu hướng tăng giá, bạn có thể xem xét nhập lệnh mua.
Dải Bollinger giảm hoàn toàn xuống dưới đường MA(200), xuất hiện xu hướng giảm giá, lúc này bạn có thể xem xét nhập lệnh bán để cắt lỗ kịp thời.
Kết hợp đường MA và dãy số Fibonacci
Dãy số Fibonacci được sử dụng để tìm điểm vào lệnh khi thị trường điều chỉnh, còn đường MA giúp xác định xu hướng của giá. Vì vậy ta có thể kết hợp dãy số Fibonacci và đường MA để giao dịch hiệu quả. Cách giao dịch cụ thể như sau:
- Bước 1: Dùng công cụ dãy số Fibonacci để vào lệnh tại các mốc điều chỉnh chính là 38.2; 50 và 61.8
- Bước 2: Chờ xu hướng hình thành rõ ràng khi đường SMA(10) cắt đường SMA(20)
Kết hợp đường MA và chỉ báo RSI
Chỉ báo RSI là chỉ báo đo động lượng, khi RSI cho thấy mức quá mua, có nghĩa là thị trường đang có xu hướng tăng. Ngược lại, RSI thể hiện mức quá bán thì thị trường đang có xu hướng giảm. Chúng ta sẽ sử dụng cách kết hợp RSI và đường MA như thế nào?
Cụ thể, cách này sử dụng đường SMA(30) và đường SMA(100) kết hợp với bộ lọc tín hiệu là chỉ báo RSI.
Đối với lệnh Buy:
- Vào lệnh khi SMA(30) cắt lên SMA(100) và chỉ báo RSI trên 50
- Thoát lệnh khi SMA(30) cắt xuống đường SMA(100) hoặc khi RSI dưới 30
Đối với lệnh SELL:
- Vào lệnh khi SMA(30) cắt xuống SMA(100) và chỉ báo RSI dưới 50
- Thoát lệnh khi SMA(30) cắt lên SMA(100) hoặc khi RSI trên 70
Lời kết
Đường MA là một công cụ rất phổ biến trong phân tích kỹ thuật. Những đường trung bình động cũng chứng minh được rất phù hợp cho biểu đồ giá cũng như những chỉ số khác. Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã nắm được cách thức sử dụng đường này.
Mỗi trader tham gia và đều có những tính toán nhất định cho việc đầu tư của mình trên mỗi sàn là điều hiển nhiên. Chúng tôi hi vọng bài viết này sẽ mang lại những kiến thức hữu ích cho bạn. Nếu bạn mới tìm hiểu về lĩnh vực tiền điện tử thì nên tham khảo thêm nhiều kiến thức hữu ích khác về lĩnh vực tiền điện tử tại chuyên mục “Kiến thức tiền điện tử”
> Đừng quên : Tham gia cộng đồng chia sẻ kiến thức về đầu tư tài chính của chúng tôi tại đây: Tham gia ngay !
Chúc bạn thực hiện giao dịch thành công!
Comments (No)